Góc đặt bánh xe bị lệch có hậu quả gì?

Cả độ êm, độ mòn lốp và khả năng vận hành của xe đều bị ảnh hưởng nếu đặt góc bánh xe sai lệch. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng để ý đến chi tiết này khi bảo dưỡng.

Tầm quan trọng của góc đặt bánh xe

Bánh xe là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và nâng đỡ toàn bộ trọng lượng xe nên ảnh hưởng quyết định đến khả năng vận hành của ô tô.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các liên kết của hệ thống treo, hệ thống lái trên xe sẽ bị mài mòn. Đặc biệt là khi xe phải thường xuyên di chuyển trong điều kiện đường xấu, đường đồi núi, sỏi đá, hoặc do các nguyên nhân như xe từng bị va chạm, đâm quẹt...

Tầm quan trọng của góc đặt bánh xe

Những sai lệch về góc đặt bánh xe diễn ra từ từ và không đem đến hậu quả tức thì nên phần lớn lái xe chủ quan hoặc không hề hay biết về vấn đề này. Việc không phát hiện và điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến một số tình huống nguy hiểm cho cả chiếc xe lẫn người lái, chẳng hạn như lốp mòn không đều, bánh xe bị rung giật, bánh lái có xu hướng lệch sang một bên khi xe chạy thẳng, vị trí bánh xe bị lệch trục, hay thậm chí còn trở thành nguyên nhân gây mất lái. 

Góc đặt bánh xe quyết định cảm giác nhẹ nhàng, chính xác và linh hoạt khi lái xe hay phải khiến người lái tốn rất nhiều sức mới điều khiển xe đi đúng hướng. Thiết kế góc đặt bánh xe tối ưu không chỉ giúp vận hành êm ái và an toàn hơn mà còn đảm bảo độ bền cho các chi tiết cơ khí. Chính vì thế, trong thực tế sử dụng và bảo dưỡng, chủ sở hữu xe cần duy trì góc đặt bánh xe theo chuẩn ban đầu bằng cách kiểm tra định kỳ và hiệu chỉnh khi cần thiết. 

Thông số cơ bản khi điều chỉnh góc đặt bánh xe

• Toe - Độ chụm bánh xe

Toe - Độ chụm bánh xe

Toe - độ chụm bánh xe là hiệu số khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía sau và khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía trước trên cùng một trục xe, điều chỉnh Toe là căn chỉnh thẳng theo hướng tịnh tiến của hai bánh xe trên cùng một trục. Độ chụm bằng 0 khi hai bánh song song nhau, hiện tượng Toe-in (độ chụm dương) xảy ra khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía trước ngắn hơn so với khoảng cách hai má lốp ở phía sau, còn Toe-out (độ chụm âm) thì ngược lại.

Cả hai trường hợp Toe-in và Toe-out đều ảnh hưởng đến độ êm của xe khi vận hành, mà biểu hiện là đầu xe và vô lăng điều khiển bị rung, xe bị “nhao lái”, lốp mòn không đều và thường tạo nên vết mòn hình răng cưa giữa các gai lốp, trường hợp nặng thậm chí còn có thể làm lốp bị hỏng rất nhanh, mà nhiều người quen gọi là xe bị “ăn lốp”: Độ chụm quá dương sẽ ăn mòn má ngoài lốp, quá âm sẽ ăn mòn lốp má trong. 

• Góc Camber 

Góc Camber

Camber là góc giữa trục thẳng đứng của bánh xe dẫn hướng với trục thẳng đứng của xe khi nhìn từ phía trước hoặc sau. Camber được tính bằng độ và phút, Camber bằng 0 (Zero Camber) khi bánh xe vuông góc với mặt đường, Camber dương (Positive Camber) khi bánh xe ngả ra ngoài, Camber âm (Negative Camber) khi bánh xe úp vào trong.

Camber dương hay âm đều làm giảm bề mặt tiếp xúc của bánh xe với mặt đường, ảnh hưởng đến độ bám, từ đó giảm sự chắc chắn của xe khi vận hành và khiến độ mòn của lốp không đều. Độ mòn của lốp ở phần vai phía trong nhiều hơn là do camber âm. Ngược lại, nếu vai phía ngoài mà bị mòn nhiều hơn thì do camber dương. Ngoài ra, tình trạng này có thể khiến lốp ồn hơn, thậm chí gây khó chịu cho người ngồi bên trong xe. 

• Góc Caster

Góc Caster

Caster là số đo của góc giữa trụ thẳng đứng của bánh xe và trụ lái. Khi Caster dương (Positive Caster) thì bánh xe sẽ ở phía trước so với đầu trụ thẳng đứng, và ngược lại Caster âm (Negative Caster) sẽ ở phía sau đầu trụ theo chiều tiến của xe. Caster tác động trực tiếp đến tốc độ đánh lái của vô lăng điều khiển và bán kính vòng quay, Caster càng nhỏ thì vô lăng càng nhẹ. Khi xe chạy quá tải khiến lò xo yếu hoặc bị chùng xuống phía dưới sẽ ảnh hưởng đến Caster. Ngoài ra, đảm bảo khung sườn ở độ cao thiết kế cũng là yếu tố nên được lưu ý nếu muốn giữ Caster ở mức chuẩn.

Tuy Caster sai tiêu chuẩn không gây mòn lốp, nhưng nếu một bánh xe có Caster dương hơn chiếc còn lại, thì khi đó bánh xe sẽ kéo về phía trung tâm của chiếc xe, khiến cho xe sẽ có xu hướng nhao về phía bánh có hệ số dương Caster ít hơn. 

Vì những tác động do sai lệch góc bánh xe khó nhìn thấy bằng mắt thường cho nên, việc tiến hành kiểm tra và điều chỉnh lại góc đặt bánh xe tối thiểu mỗi năm một lần, hoặc sau 10.000 km là rất cần thiết. Điều này vừa phòng ngừa hư hỏng lại giúp kéo dài tuổi thọ xe. Hơn nữa, quá trình kiểm tra và hiệu chỉnh góc đặt bánh xe hiện nay đã trở nên chính xác và thuận tiện hơn so với các kỹ thuật truyền thống nhờ các loại máy móc công nghệ cao.

Carmudi Việt Nam

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ