Tìm hiểu tư thế lái phù hợp cho từng dáng người khác nhau

Khi lái xe ô tô, một vị trí ngồi phù hợp với thể trạng vừa mang lại sự thoải mái, bảo vệ sức khoẻ lâu dài vừa giảm thiểu những nguy hiểm khi có va chạm xảy ra.

Về tư thế ngồi, bạn nên ngồi thẳng, lưng áp sát vào tựa lưng và không để khoảng trống nào giữa hông và ghế xe. Khi điều khiển ô tô, chỉ có cánh tay và bàn chân là cần di chuyển, các bộ phận khác trên cơ thể nên được giữ cố định. Sau khi bạn đã ngồi vào ghế đúng cách, nếu thấy cần điều chỉnh, hãy bắt đầu điều chỉnh ghế lái. 

Điều chỉnh ghế lái

1. Khoảng cách từ ghế lái đến bàn đạp phanh

Trước tiên, bạn nên khởi động xe rồi đạp hết chân phanh vài lần để làm quen với hành trình chân phanh, qua đó điều chỉnh khoảng cách phù hợp nhất. Sau đó, hãy chỉnh khoảng cách ghế sao cho khi đạp hết hành trình chân phanh, đầu gối vẫn còn một khoảng gập nhẹ (lý tưởng nhất là 120 độ).

Khoảng cách từ ghế lái đến bàn đạp phanh

Nếu chân duỗi thẳng khi đạp hết phanh (hoặc gót chân nhấc lên khi đạp hết hành trình phanh) tức là ghế lái đã chỉnh quá xa. Ngược lại, nếu chỉnh ghế lái quá gần, đầu gối người lái sẽ dễ chạm vào phần mép dưới vô lăng, gây khó chịu và cản trở các thao tác xử lý. 

Bạn có thể kiểm tra bằng cách cho 2 ngón tay vào khe hở giữa rìa ghế và mặt trong đầu gối. Nếu không thể cho cả 2 ngón tay vào khe hở, bạn cần điều chỉnh ghế ra xa hơn. 

2. Độ cao của ghế lái

Nâng cao ghế lái giúp tầm nhìn của bạn được mở rộng hơn, nâng cao khả năng quan sát. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉnh độ cao ghế sao cho phần hông ngang hoặc cao hơn so với đầu gối để đảm bảo sức khoẻ lâu dài. Chiều cao sau khi điều chỉnh cần đảm bảo cho khuỷu tay vừa chạm vào bệ cửa, phần đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng khi bạn co chân sát vào ghế.

Độ cao của ghế lái

Nếu chiều cao sau khi chỉnh vẫn còn quá thấp hoặc xe, bạn có thể trang bị thêm các loại đệm ngồi gắn ngoài. Các loại đệm cao cấp không chỉ tăng độ êm ái mà còn có khả năng giảm rung động và phân tán lực. Từ đó, bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.

Độ cao của ghế lái

3. Độ nghiêng của tựa lưng

Phần giữa lưng phải tiếp xúc với tựa lưng của ghế, đặt tay lên vị trí cao nhất của vô lăng, và điều chỉnh góc của tựa lưng sao cho khuỷu tay vẫn hơi gập xuống, cánh tay song song với sàn xe thì góc ngã lưng là phù hợp nhất.

Theo PhysioMed, góc ngả tựa lưng lý tưởng nhất là 100 – 110 độ. Ở góc ngả này thì các đĩa đệm ở lưng chịu ít áp lực nhất.

Độ nghiêng của tựa lưng

4. Độ cao của tựa đầu

Tựa đầu có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế chấn thương cổ khi xảy ra va chạm từ phía sau.

Độ cao của tựa đầu

Vì thế, mép trên của tựa đầu nên được nâng cao lên ngang với mép trên của đầu người lái, khoảng cách từ tựa đầu tới phần gáy khoảng 2-3 cm. Việc này vừa giúp người lái không bị mỏi cổ vừa giảm bớt chấn thương khi gặp tai nạn. 

5. Điều chỉnh bơm lưng (lumbar support)

Bơm tựa lưng là thành phần có khả năng điều chỉnh nhô ra, thụt vào bên trong tựa lưng ghế. Phần bơm lưng này cần được canh chỉnh đúng vị trí để tạo nên sự thoải mái và bảo vệ cột sống cho người lái về lâu dài.

Năm năm trở lại đây, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, chỉ với 600 triệu, bạn có thể sở hữu những mẫu xe với ghế lái chỉnh điện tích hợp khả năng bơm hơi tựa lưng. 

 Điều chỉnh bơm lưng

Để điều chỉnh bơm hơi tựa lưng, đầu tiên, điều chỉnh phần bơm lưng lên/xuống để khớp với đoạn lõm ở lưng người lái. Sau đó, điều chỉnh phần nhô ra/thụt vào của bơm tựa lưng vừa đủ để lấp kín phần lõm này. Hãy cân nhắc mua thêm gối tựa gắn rời nếu xe của bạn không có bơm tựa lưng, nhất là đối với lái xe đường dài.

6. Điều chỉnh vô lăng

Vị trí của vô lăng cũng là yếu tố có thể tác động đến tư thế lái. Nút điều chỉnh thường được bố trí ngay phía dưới vô lăng. Người lái chỉ cần ấn nút điều hướng (với các xe trang bị vô lăng chỉnh điện) hoặc kéo lẫy (vô lăng chỉnh cơ) để điều chỉnh khoảng cách, độ cao, thấp của vô lăng. Tuy nhiên, cũng có một số xe không cho phép điều chỉnh khoảng cách từ vô lăng đến người lái.

Người lái nên cầm vô lăng ở vị trí 3 giờ và 9 giờ. Vị trí này sẽ giúp phần cẳng tay ít bị cong hơn, vai và lưng cũng đỡ mỏi và thoải mái hơn. 

Điều chỉnh vô lăng

Đồng thời, người lái cũng nên điều chỉnh sao cho khoảng cách từ vô lăng đến phần vai ngực vào khoảng 25 - 30 cm, đồng thời khuỷu tay tạo góc nghiêng nhẹ (lý tưởng nhất là 120 độ).  Nếu xảy ra va chạm, túi khí sẽ hoạt động hiệu quả và giảm thiểu chấn thương cho tài xế.

Điều chỉnh vô lăng

Ngoài ra, bạn cũng cần dựa vào tầm mắt sau khi đã chỉnh độ cao ghế lái để điều chỉnh độ cao/thấp của vô lăng, qua đó đảm bảo tầm quan sát đến bảng đồng hồ tốc độ của xe. 

7. Đeo dây an toàn đúng cách

Đầu tiên, khi với lấy dây an toàn, đừng sử dụng tay ở gần dây vì như vậy sẽ tạo ra nhiều áp lực và đặt vai vào tư thế “closed pack position”, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Bạn chỉ nên sử dụng tay ở xa để với lấy dây an toàn và xoay cả cơ thể theo.

Đeo dây an toàn đúng cách

Sau đó, dây an toàn phải thắt qua vai và dưới bụng để khi có va chạm, phần dây ngang sẽ giữ chặt lấy khung xương chậu. Tuyệt đối không để phần ngang của dây an toàn trên bụng vì khi có va chạm, dây sẽ không bám được vào phần khung xương vững chắc và gây nguy hiểm

Không ít trường hợp lái xe hoặc hành khách cài sẵn dây an toàn vào ghế, khi đeo chỉ vòng phần dây chéo qua vai. Với cách làm như vậy, khi có tai nạn bất ngờ sẽ có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Cuối cùng, theo Nghị định 100 có hiệu lực từ 30/12/2019, hành khách ngồi ở tất cả các vị trí trên xe đều phải thắt dây an toàn. 

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ