3 đèn cảnh báo động cơ tài xế nhất định phải nắm rõ

Nhận biết những đèn cảnh báo nguy hiểm cho hệ thống động cơ ô tô là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có thể dễ dàng điều khiển chiếc xe của mình, từ đó hạn chế những tai nạn không đáng có.

Động cơ được ví như trái tim của ô tô, là nơi sản sinh ra công suất giúp cho chiếc xe vận hành và di chuyển. Tuy nhiên, không phải bác tài nào cũng hiểu rõ về những chức năng cơ bản của động cơ và các loại đèn cảnh báo động cơ được trang bị trên xe. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp động cơ bị lỗi nhưng người lái vẫn không hề biết, gây ra nhiều hư hại hay thậm chí là tai nạn không đáng có.

Dưới đây là 3 loại đèn cảnh báo động cơ quan trọng nhất đáng được các bác tài quan tâm và hiểu rõ:

1. Oil pressure - đèn cảnh báo áp suất dầu bôi trơn

3 đèn cảnh báo động cơ tài xế nhất định phải nắm rõ

  • Ý nghĩa đèn cảnh báo: Loại đèn này thường xuất hiện ngay khi khởi động động cơ và tắt hẳn sau 1 đến 2 giây. Trong các trường hợp còn lại, khi đèn này bật sáng thì động cơ của xe đang hoạt động trong tình trạng thiếu dầu bôi trơn, thậm chí là không có dầu bôi trơn, lúc này sẽ không đảm bảo để động cơ hoạt động an toàn. Áp suất thấp có thể vì dầu bị rò rỉ, dầu quá cũ, hoặc bơm dầu hỏng hoặc sắp hỏng. Cảnh báo này yêu cầu phải có sự can thiệp ngay lập tức trước khi dầu được luân chuyển bất thường khắp động cơ.

  • Bạn nên làm gì: Dừng xe một cách an toàn và nhanh nhất, đồng thời tắt động cơ ngay lập tức, kiểm tra hướng dẫn sử dụng để biết cách xử lý kịp thời. Khi đó, bạn có thể thêm dầu động cơ và tiếp tục lái xe nhưng phải hết sức thận trọng. Lưu ý xem chi tiết các bước xử lý tình huống này cho từng dòng xe cụ thể và đem đến các trung tâm bảo dưỡng gần nhất để kiểm tra.

Trong nhiều tình huống, thậm chí trong một vài phút lái xe việc cố tình tiếp tục chạy với tình trạng như vậy có thể làm hao mòn nhanh động cơ, nặng hơn có thể hỏng hoàn toàn bộ phận. Vì thế, khi bạn nhìn thấy đèn cảnh báo áp suất dầu, cần phải xử lý ngay lập tức để tránh khỏi các tai nạn không đáng có.

2. Engine overheat/ Engine coolant - đèn cảnh báo nhiệt độ

3 đèn cảnh báo động cơ tài xế nhất định phải nắm rõ

  • Ý nghĩa đèn cảnh báo: Khi đèn “TEMP" sáng chứng tỏ nhiệt độ động cơ cao hơn mức tiêu chuẩn (động cơ nóng quá mức). Có thể do các nguyên nhân như: hết nước làm mát hoặc hệ thống nước làm mát gặp trục trặc, bộ ổn nhiệt hoặc quạt thông gió có thể đang bật liên tục làm cho động cơ ngốn xăng nhiều hơn.

  • Bạn nên làm gì: Điều đầu tiên, bạn cần phải nhanh chóng và an toàn dừng xe. Đừng quá vội tắt động cơ và tiến hành các bước kiểm tra, hãy để xe ở trạng thái “nghỉ ngơi" một thời gian để nhiệt độ ở cabin cũng như tốc độ quay của quạt trở lại bình thường. Thông thường, bạn sẽ bổ sung nước làm mát nếu két nước làm mát còn ít hoặc đã cạn, mở máy kiểm tra lại xem đèn cảnh báo nhiệt độ còn sáng không:

    • Đèn không còn sáng: Có thể tiếp tục lái xe và để ý châm nước làm mát thường xuyên hơn. Nếu tình trạng đèn sáng lập lại nhiều lần dù đã châm nước đầy đủ, nên đưa xe đi kiểm tra hệ thống làm mát.

    • Đèn vẫn còn sáng: Nên gọi cứu hộ đưa xe đi kiểm tra. Không nên cố gắng khởi động xe vì nhiệt độ động cơ cao vượt mức có thể làm bó máy, cong vênh hoặc thậm chí phá hủy động cơ.

Tiếp tục lái xe với động cơ quá nhiệt sẽ làm các chi tiết giãn nở quá mức khiến chúng bị kẹt hoặc gãy vỡ như cào xước pít-tông, mòn xu-páp, thổi gioăng quy-lát, hoặc biến dạng xi-lanh. Hãy chắc chắn rằng thực hiện đúng và đầy đủ các bước hướng dẫn để không “mất oan” một số tiền cho việc sửa chữa.

3. Brakes - đèn cảnh báo hệ thống phanh

3 đèn cảnh báo động cơ tài xế nhất định phải nắm rõ

  • Ý nghĩa đèn cảnh báo: Khác với hai đèn cảnh báo trên, đèn cảnh báo “BRAKES” có thể vì nhiều lí do khác nhau mà bật sáng như: cảnh báo khi phanh đỗ chưa nhả hoàn toàn, nhưng cũng có thể do mức dầu phanh quá thấp hoặc mất áp suất dầu vì thệ thống dẫn động bị rò.

  • Bạn nên làm gì: Nếu đèn cảnh báo BRAKE xuất hiện trong khi lái xe. Điều quan trọng lúc này là cần tìm cách dừng xe an toàn. Nếu hệ thống vẫn còn tác dụng hãy phanh cẩn trọng. Sử dụng phanh tay hoặc phanh bằng động cơ với xe số sàn cũng có thể giảm tốc độ xe khi phanh chân không còn “ăn”. Hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng ngay lúc này để kịp thời có cách xử lí thoả đáng. Có thể nguyên nhân chính là do mức dầu phanh không đủ để hoạt động, nếu không sẽ là do gặp các vấn đề khác trong hệ thống có thể liên quan đến cảm biến “ABS" hay dây phanh.

Sau khi tham khảo hướng dẫn và thực hiện các bước kiểm tra cũng như khắc phục, nên đưa xe tới ngay xưởng dịch vụ để kiểm tra và sửa chữa nếu không muốn làm “tổn thương" đến “xế yêu" của mình.

Đình Trung

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ