ODO là gì?

Chúng ta rất thường nghe mọi người nói với nhau kiểm tra ODO của xe cũ, xe đã qua sử dụng. Vậy ODO là gì? Vì sao nó lại quan trọng với xe cũ? Và xe cũ đã bị tua ODO là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

ODO là gì?

ODO bắt nguồn từ tiếng Anh, là cách gọi tắt của cụm từ Odometer. Theo nghĩ tiếng Việt, ODO dùng để ám chỉ quãng đường một chiếc xe đã đi sau một thời gian sử dụng, thường được đặt trên vị trí trung tâm hoặc cạnh dưới đồng hồ lái.

ODO là gì?

Trước đây, khi ngành công nghiệp ô tô còn sơ khai, sử dụng phần lớn các thiết bị cơ học, số ODO được hiển thị dưới dạng cơ và tăng dựa trên cảm biến đếm vòng quay bánh xe. Tuy nhiên khi công nghệ máy tính phát triển, số ODO hiện đã đo bằng máy tính với độ chính xác cao hơn.

Lịch sử ra đời của số ODO

Những đồng hồ ODO đầu tiên ra đời từ thế kỷ 17, phục vụ cho việc đo khoảng cách di chuyển của các phương tiện thô sơ như xe ngựa, xe thồ gia súc kéo. Đến năm 1645, bộ máy Pascaline ra đời dưới nghiên cứu của nhà toán học Blaise Pascal (người Pháp) sử dụng cơ cấu bánh răng để đo quãng đường đã đi được. Phương pháp này chính xác hơn trước, nhưng nó vẫn chưa phải là chiếc đồng hồ ODO thực thụ.

Cyclometer phát minh của Thomas Savery

Cuối thế kỷ 17, đồng hồ ODO dạng kim số được ứng dụng trong vận tải đường thủy dưới phát minh của Thomas Savery, một nhà phát minh và kỹ sư người Anh. Tuy nhiên đến năm 1895, một thiết bị có tên gọi Cyclometer do Curtis Hussey Veeder sáng chế có khá năng đếm số vòng quay bánh xe, cùng với một sợi dây truyền động đế tính toán quãng đường di chuyển. Và Cyclometer cũng có một giao diện đồng hồ số đếm như đồng hồ ODO hiện đại.

Ban đầu Cyclometer được ứng dụng trên xe đạp và khi ngành công nghiệp ô tô phát triển, Cyclometer dần được ứng dụng nhiều hơn trên các mẫu ô tô. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thiết bị ODO dùng cho tới ngày nay.

ODO auto-meter đã được 2 anh em Arthur.P và Charles.H Arthur

Vào đầu thế kỷ 20, ODO auto-meter đã được 2 anh em Arthur.P và Charles.H Arthur phát minh với cách đo chuyển động của các trục bằng nam châm. Thiết kế mới không chỉ đo được quãng đường di chuyển mà chúng còn đo được vận tốc di chuyển tức thời của vật chuyển động. Phương pháp và thiết bị mới này được đánh giá cao về độ chính xác, cải thiện đáng kể rất nhiều so với các thiết bị đo số ODO trước đó.

Ngày nay, cách hiển thị của số ODO đã thay đổi dưới dạng kỹ thuật số, tuy nhiên cách đo chuyển động các trục bánh xe bằng nam châm của anh em nhà Arthur vẫn được sử dụng phổ biến.

Các loại ODO

Vẫn sử dụng phương pháp đo của nhà Arthur, nhưng ngày nay số ODO được chia làm 3 loại chính: cơ học, tự động và bán tự động.

  • ODO cơ học: đo đơn giản theo phương pháp truyền thống và cần kích hoạt từ người điều khiển
  • ODO tự động: tự động đếm quãng đường di chuyển của xe mà không cần tác động từ người điều khiển. Loại này được dùng phổ biến trên mọi phương tiện vận chuyển.
  • ODO bán tự động: kết hợp chế độ làm việc của ODO cơ học và ODO tự động. Loại này được sử dụng phổ biến ngày nay, không chỉ trên xe ô tô mà còn trên xe máy cao cấp. Người dùng ngoài việc theo dõi số ODO của xe từ lúc mua thay đổi cho đến hiện tại, còn có thể đếm ODO riêng lẻ cho từng quãng đường. Cách này còn được nhà sản xuất diễn giải dưới tên gọi Trip A, Trip B… Chưa kể kết hợp với các cảm biến đo nhiên liệu, còn có thể cho ra các thông số ODO có thể đi được với lượng xăng còn lại…

Ứng dụng của ODO trong ô tô

Tính cước vận chuyển

Đồng hồ tính cước taxiĐồng hồ tính cước taxi

Số ODO cũng được các dùng để tính quãng đường di chuyển của các hãng taxi, từ đó nhân với giá cước để ra số tiền khách thuê xe phải trả. Ngày nay các hãng taxi truyền thống vẫn áp dụng theo cách này, điều đó dẫn đến các tiêu cực trong việc tính tiền hành khách. Lái xe thường chạy quãng đường xa hơn thực tế, để có thể thu được nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, điều này đã được khắc phục với các hãng xe công nghệ, với cách tính tiền dựa trên định vị GPS với các thuật toán điện tử phức tạp. Vì vậy, giá thành xe taxi công nghệ luôn cạnh tranh hơn so với xe taxi truyền thống. Ngày nay, các hãng taxi truyền thống cũng bắt đầu áp dụng cách tính cước phí vận chuyển bằng công nghệ thông tin để cạnh tranh tốt hơn.

Tham chiếu khi mua bán xe ô tô cũ

Đây là một trong những vai trò quan trọng nhất của số ODO, một chiếc xe cùng đời sản xuất, nhưng có số ODO thấp sẽ là món hàng hấp dẫn với giới thương lái, cũng như khách mua xe cá nhân. Số ODO thấp chứng tỏ chiếc xe còn mới so với các mẫu xe cùng đời, ít sử dụng, xe cá nhân hoặc gia đình. Số ODO thấp cũng khiến người mua xe tin rằng chiếc xe này không sử dụng chạy dịch vụ.

Chính điều này khiến giới những gian thương bán xe cũ luôn tìm cách tua ODO lại để hấp dẫn khách mua xe thay vì giữ nguyên hiện trạng như lúc mua lại từ người bán.

Trước đây, khi số ODO còn hiển thị dạng cơ, chuyện tua lại đồng hồ trở nên dễ dàng hơn, và không ít người mua xe cũ bị mắc bẫy của thương lái. Ngày nay, số ODO đã hiển thị dưới dạng điện tử, thông tin được lưu trữ trong hãng xe và được đồng bộ toàn hệ thống đại lý chính hãng. Việc này khiến việc tua ODO khó khăn hơn, tuy nhiên chiêu bài này vẫn được áp dụng, nhất là với những chiếc xe cũ, xe lướt có số ODO trong tầm khoảng dưới 50.000 km.

Ứng dụng trong cho thuê xe tự lái, xe dịch vụ

Các công ty dịch vụ cho thuê xe tự lái hay xe có lái cũng sử dụng số ODO để tính toán cước phí cho thuê phù hợp. Ngoài một số ít công ty cho thuê xe tự lái không giới hạn số km, hầu hết các dịch vụ này đều giới hạn số km khách thuê có thể di chuyển trong ngày. Và số ODO là căn cứ duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Các công ty cho thuê xe dịch vụ, xe có lái bên cạnh loại xe, số chỗ ngồi, số ngày thuê, cũng áp dụng cách này để tính cước phí tương tự như thuê taxi truyền thống. Ví dụ chúng ta cùng thuê xe 30 chỗ đi Vũng Tàu từ TP.Hồ Chí Minh, nhưng nếu chúng ta chỉ đến TP.Vũng Tàu và trở về, giá cước sẽ được tính thấp hơn trường hợp chúng ta ghé thêm các địa danh như Long Hải hay Hồ Tràm.

Mẹo nhận biết xe bị tua ODO

Khách hàng mua ô tô cũ vẫn luôn phải đối mặt với vấn nạn tua đồng hồ ODO. Thương lái thường chỉ tốn vài trăm ngàn đồng là có thể tua ngược ODO đến con số mong muốn, thậm chí tua hẳn gấp đôi so với số ODO thực của xe, mà khách mua xe dễ dàng bị qua mặt.

Tại Việt Nam, pháp luật vẫn chưa có các quy định xử phạt cho trường hợp mua bán gian dối trên. Cả 2 bên mua bán đều phải tự thống nhất và thương lượng với nhau về số ODO khi mua bán xe. Vậy có cách nào có thể phát hiện ra hiện trạng thực trên:

1. Đối chiếu đời xe với số ODO thực tế

Thông thường một chiếc xe trung bình 1 năm sẽ đi được quãng đường từ 15.000 – 20.000 km. Nếu bạn mua một chiếc xe đã qua sử dụng 3 năm và số ODO trung bình sẽ trong khoảng 30.000 – 40.000 km, đây có thể là số ODO chính xác của một chiếc xe. Với số ODO nhiều hơn, nhiều khả năng đây là chiếc xe được chủ nhân sử dụng chạy dịch vụ hoặc cho thuế. Với số ODO ít hơn mức trung bình, khả năng rất lớn xe đã bị tua ODO nếu đã đối chiếu với các sự hao mòn tự nhiên của lốp vỏ, các vết nhẵn và bóng trên cần số, hay độ sờn của dây đai an toàn…

2. Kiểm tra sổ bảo dưỡng

Lịch sử bảo dưỡng cũng là một trong những bảo chứng niềm tin về một chiếc xe có số ODO trung thực. Nếu một chủ xe thực thụ, nếu đi nhiều hay ít đều có lưu lại lịch sử bảo dưỡng trong sổ đi kèm, thậm chí những chủ xe kỹ tính có hẳn một kho lưu trữ các chứng từ bảo dưỡng. Trên đó có ghi rõ số kilomét hoặc thời gian xe vào bảo dưỡng trong hãng.

Nếu đối chiếu với các tư liệu này, và số ODO chỉ chênh lệch trong khoảng nhỏ, không đáng kể, đây có thể là chiếc xe cũ đáng mua và đáng tin cậy. Nếu chủ xe không lưu trữ hoặc bạn mua xe qua thương lái, không có cách nào khác phải kiểm tra thông tin qua hãng qua mẹo dưới đây.

Mẹo nhận biết xe bị tua ODO

3. Kiểm tra độ hao mòn nội ngoại thất

Trước khi phải sử dụng đến mẹo thứ 4 là vào hãng, bạn có thể kiểm tra số ODO đúng hay đã tua ODO thông qua các hao mòn nội ngoại thất. Một chiếc xe đã qua sử dụng với quãng đường lăn bánh hàng chục thậm chí cả trăm ngàn kilômét thì hiện trạng nội ngoại thất cũng đã xuống cấp khá nhiều.

Bạn có thể kiểm tra các hạng mục như độ mòn lốp xe, tuần xuất xưởng của lốp có đồng đều, xe đã thay lốp hay chưa. Trung bình một bộ lốp kể từ lúc xuất xưởng đến lúc thay thế mới có thể lên đến 50.000 – 70.000 km. Với các dòng xe SUV, xe bán tải, bộ lốp sẽ có tuổi thọ lớn hơn. Chính vì vậy nếu lốp đã thay mới, bạn có thể ước lượng được tương đối quãng đường một chiếc xe đã đi qua.

Tình trạng sờn, nhẵn vô lăng cũng sẽ giúp bạn kiểm chứng mức độ ODO lớn hay nhỏ. Cần số, đặc biệt trên các xe số sàn cũng cho thấy xe đã lăn bánh nhiều hay ít. Ngoài ra, tình trạng ghế lái xuống cấp nhiều hay ít, lớp da bọc ghế hay nỉ đã nhăn, xếp lớp hay bong tróc nhiều hay ít, cũng cho chúng ta hình dung rất chính xác số ODO đã đi của xe.

4. Kiểm tra trong hãng

Đây là bước kiểm tra có thể tin cậy bậc nhất với không chỉ số ODO mà còn hiện trạng hư hỏng hay ổn định chưa qua sửa chữa. Hầu hết các chủ xe đưa xe bảo dưỡng chính hãng cũng vì những lý do này, giúp xe có thể bán được giá cao sau thời gian sử dụng.

Tuy nhiên cũng không ít chủ xe chạy dịch vụ tự mình bảo dưỡng hoặc qua gara bên ngoài. Chính điều này khiến quá trình tra cứu chính hãng trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, nếu bạn có thể đem trực tiếp xe vào hãng kiểm tra, bạn cũng hoàn toàn có thể tin cậy người bán chiếc xe của bạn. Còn ngoài các trường hợp khác, bạn nên rút lui và tìm một chiếc xe cũ có ODO đáng tin cậy hơn.

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ