Bệnh xuống máy - vấn đề thường gặp trên xe cũ

“Bệnh xuống máy” là hiện tượng xuất hiện các vấn đề về động cơ ở xe ô tô (hay còn gọi là hiện tượng tã máy) sau một thời gian dài sử dụng mà không được bảo dưỡng đúng cách.

Sau khoảng vài năm sử dụng, nếu bạn nhận thấy xế yêu của mình yếu dần, tăng tốc chậm, hao xăng, thỉnh thoảng bị mất ga khi đang vận hành… Đó gọi chung là hiện tượng xuống máy thường gặp ở những chiếc xe cũ. Nếu không kịp thời khắc phục, điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của bạn trong những chuyến đi xa hoặc sẽ phát sinh những khoản sửa chữa tốn kém khi phải đại tu toàn bộ động cơ.

Vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục những vấn đề này?

Tắc kim phun xăng

Khó tăng tốc là dấu hiệu rõ ràng của hiện tượng xuống máy. Khi đạp lút chân ga mà xe vẫn chỉ tăng tốc từ từ, dẫn đến gây nguy hiểm mỗi khi cần vượt xe phía trước, nhất là trên cao tốc. Việc đầu tiên cần làm đó là kiểm tra kim phun xăng.

Sau vài năm sử dụng, kim phun sẽ bị ám bụi than từ trong buồng đốt hoặc dính cặn bẩn trong bình xăng dẫn tới hiện tượng tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ.
Kim phun bị nghẽn do dính cặn bẩn từ xăng

Để khắc phục tình trạng, bạn có thể tìm mua các dung dịch vệ sinh chuyên dụng từ cửa hàng,đọc kỹ hướng dẫn sử dụng rồi đổ vào bình xăng theo tỉ lệ. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức cơ bản về xe hơi, bạn có thể đưa xe tới các garage để kỹ thuật viên làm giúp. Theo khuyến cáo, việc làm vệ sinh kim phun nên được thực hiện định kỳ (khoảng 15.000 kilomet /một lần.

Để những chuyến đi chơi xa được an toàn, bên cạnh việc kiểm tra - bảo dưỡng xế yêu, chủ xe cũng cần trang bị các vật dụng cần thiết như hộp y tế, bánh dự phòng, bơm lốp mini cho những chặng đường dài. 

Lọc gió bẩn hoặc hỏng bugi

Trước khi không khí nạp vào buồng đốt, nó phải đi qua bộ lọc gió để sàng lọc bụi bẩn, đất cát, côn trùng nhằm ngăn ngừa hỏng hóc động cơ. Qua thời gian, các tạp chất này đọng lại gây tắc nghẽn bộ lọc gió. Khi đó, lượng không khí nạp vào động cơ sẽ không đủ, tỉ lệ xăng nhiều hơn không khí gây ra hiện tượng dư xăng. Khói thải ra thường có màu đen và xe hao xăng hơn rất nhiều so với lúc mới mua. Với ô tô, nên định kỳ thay mới lọc gió ( sau 50.000 km / lần). 

Lọc gió dính đầy cát và lá cây

Bên cạnh đó, tình trạng bugi hoạt động kém, không đốt cháy hết hỗn hợp xăng - không khí cũng gây ra hiện tượng hao xăng, giảm hiệu suất động cơ.

Tắc ống xả

Hệ thống ống xả trên xe hơi gồm hai thành phần chính là bộ giảm âm và bộ chuyển đổi xúc tác. Bộ giảm âm có nhiệm vụ giảm bớt tiếng ồn phát ra trong khi bộ chuyển đổi xúc tác dùng để cắt giảm các khí thải gây ô nhiễm như khí CO (được tạo ra do nhiên liệu không được đốt cháy hết).

Thay thế bộ chuyển đổi xúc tác bị hỏng

Cũng giống như lọc gió, bộ chuyển đổi xúc tác sẽ bị tắc nghẽn sau một thời gian sử dụng. Lúc đó động cơ xe phải mất thêm năng lượng để đẩy khí thải ra ngoài. Ống xả bị tắc còn tạo ra áp suất ngược trở lại buồng đốt làm giảm công suất và ảnh hưởng tới độ bền của động cơ.

Bảo dưỡng ô tô: Những bộ phận cần kiểm tra thường xuyên

Lốp xe, hệ thống đèn, dầu nhớt... là những bộ phận cần ưu tiên kiểm tra thường xuyên và thay thế khi cần thiết để giúp xe vận hành trơn tru và an toàn hơn trước mỗi hành trình.

Buồng đốt không kín

Hiệu suất động cơ phụ thuộc nhiều vào quá trình nén nhiên liệu tại buồng đốt. Nếu xe không được bổ sung dầu máy bôi trơn thường xuyên sẽ dẫn tới tình trạng các chi tiết máy như nòng xi lanh, bạc pít tông nhanh bị mài mòn, khiến buồng đốt không kín, tỉ số nén không đủ làm giảm công suất của động cơ.Dầu từ buồng máy cũng theo khe hở chui vào buồng đốt nên xe hao dầu rất nhanh. Dấu hiệu rõ ràng nhất là có khói trắng tạo ra từ ống xả, xe bị ì khi đang lưu thông trên đường.

Buồng đốt không kín

Để hạn chế xảy ra tình trạng trên, cần bảo dưỡng xe, thay dầu định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong trường hợp các phụ tùng đã hao mòn, phải nhanh chóng đưa vào xưởng để xử lý. Tùy theo hiện trạng của động cơ, kỹ thuật viên sẽ thực hiện các thao tác sửa chữa như thay bạc, xoáy nòng.

Xe bị trượt côn

Ngoài tắc kim phun xăng, côn xe bị trượt cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe bị ì khi tăng tốc. Đĩa ma sát bị mòn khiến cho mô-men từ động cơ không truyền tới được bánh xe.

Bề mặt đĩa ma sát cũ và mới

Việc di chuyển trong các thành phố đông đúc như Hà Nội, TP.HCM khiến người lái phải liên tục cắt côn, chuyển số, giảm tốc dẫn đến tuổi thọ của bộ ly hợp cũng thấp hơn.

Bảo dưỡng ô tô: Dung dịch cần kiểm tra và thay thế định kỳ

Những dung dịch như dầu động cơ, dầu phanh, nước làm mát… giúp xe hoạt động trơn tru, ổn định, đồng thời kéo dài tuổi thọ của các bộ phận quan trọng. Vì thế, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra, thay thế các dung dịch này.

Lỗi cảm biến

Ngoài các lỗi về động cơ và bộ truyền động, người sử dụng cũng phải để ý tới những vấn đề của bộ phận cảm biến được trang bị trên xe.

Các cảm biến vị trí trục cam, cảm biến vị trí trục khuỷu sẽ cung cấp thông tin cho bộ xử lý trung tâm để tính toán thời điểm phun nhiên liệu hợp lý nhất. Nếu những cảm biến này bị lỗi sẽ gây ra hiện tượng động cơ chết đột ngột, tăng tốc kém hoặc báo lỗi đèn Check Engine.

Lỗi cảm biến trục cam cũng là nguyên nhân sáng đèn Check Engine

Nắm rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng xuống máy, chủ xe sẽ có biện pháp phòng ngừa và khắc phục kịp thời thay vì mất một khoản chi phí sửa chữa khi phải đưa xe vào garage.

Carmudi Việt Nam

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ