Hướng dẫn bạn nhanh trí xử lý tình huống gặp tai nạn giao thông

Bất cứ ai khi gặp tai nạn giao thông cũng đều lúng túng và hốt hoảng. Nếu bình tĩnh và hỗ trợ xử lý đúng cách, chúng ta có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, thậm chí còn có thể cứu vãn tình hình.

Nếu bạn là những người đầu tiên nhìn thấy tai nạn giao thông, chính những xử trí bạn đầu của bạn có thể quyết định đến sinh mệnh của nạn nhân. Nếu đứng trước một tình huống tai nạn giao thông bạn nên làm theo các chỉ dẫn dưới đây. Đừng chờ đợi cấp cứu hay sự có mặt của các cơ quan chức năng. Vì sự do dự, chậm trễ của bạn và những người xung quanh có thể tước đi những thới khắc quý giá có thể bảo toàn tính mạng cho người bị tai nạn.

Trong lúc tất cả mọi người đang lo sợ và hoảng loạn, bạn cần tỉnh táo và thực hiện các thao tác cần thiết để sơ cứu và cấp cứu cho người bị hại.

Hãy gọi cho xe cấp cứu và công an ngay lập tức

Khi gặp tai nạn trên đường, việc đầu tiên cần làm là gọi cho xe cấp cứu và công an. Đừng cố xác định xem đã có ai làm việc này hay chưa? Thà rằng chúng ta gọi thừa vài cuộc còn hơn là để người này nghĩ người kia đã gọi rồi. Hãy luôn nhớ số điện thoại cấp cứu là 115. Các số điện thoại của cơ quan công an trên địa bàn, bạn có thể nhờ người dân xung quanh gọi hoặc tra cứu trên mạng internet.

Gọi cấp cứu và công an khi phát hiện có tai nạn giao thông

Bạn chỉ cần bấm 115 là có thể kết nối đến tổng đài cấp cứu. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi gọi điện thoại, và bạn có thể nhờ thêm 1 người đứng bên cạnh để giúp bạn cung cấp thông tin chính xác cho bên cấp cứu và công an. Các thông tin cung cấp cho công an và cấp cứu cần chính xác nhất, để hai lực lượng này có thể đến hiện trường tai nạn nhanh chóng và kịp thời.

Các thông tin cần cung cấp gồm có:

  • Địa chỉ chính xác nơi xảy ra tai nạn. Nếu bạn không chắc chắn về địa chỉ xảy ra tai nạn hãy hỏi người dân bản xứ. Trong trường hợp tai nạn xảy ra ở nơi hẻo lánh và xa khu dân cư, hãy sử dụng đến định vị trên điện thoại, và cung cấp mốc tọa độ để có thể khoanh vùng được địa điểm xảy ra tai nạn.

  • Luôn nhớ cung cấp số điện thoại liên lạc cho bên cấp cứu và công an, nên cung cấp vài số. Tuy hầu hết các máy điện thoại đều có hiện số nhưng đề phòng trường hợp máy hỏng hoặc sự cố ngoài ý muốn, hoặc bạn cần phải rời đi gấp thì vẫn có cách để liên lạc với những người ở tại hiện trường. Việc trao đổi thông tin qua lại giữa bên công an, cấp cứu với người đang ở tại địa điểm tai nạn là rất cần thiết.

  • Cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tai nạn. Cung cấp càng chi tiết càng tốt. Hãy mô tả chi tiết và rõ ràng nhất những gì đã xảy ra.

  • Cung cấp thông tin về tình trạng nạn nhân: Có mấy nạn nhân trong vụ tại nạn, và tình trạng của từng người ra sao. Kiểm tra xem các nạn nhân có đang bất tỉnh không? Và nếu bất tỉnh thì có còn thở hay không? Quan sát xem chấn thương của nạn nhân ra sao, tập trung ở vùng nào…

  • Xác định thân nhân của nạn nhân: Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo thì có thể hỏi thông tin của nạn nhân để cung cấp cho bên chức năng và cấp cứu. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc thậm chí tử vong thì dự đoán tầm tuổi của nạn nhân. Có thể kiểm tra chứng minh thư hoặc giấy tờ trong người của nạn nhân nếu có. Việc xác định tuổi của nạn nhân cũng tạo thuận lợi cho công tác cấp cứu nạn nhân.

Những việc cần làm khi chờ xe cấp cứu và lực lượng chức năng đến hiện trường

Sau khi đã cung cấp đầy đủ thông tin tai nạn cho bên cấp cứu và cơ quan chức năng hãy quan sát hiện trường để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Quan sát tình hình xung quanh

Đôi khi hệ quả của các vụ tai nạn có thể tiềm ẩn nhiêu nguy cơ. Việc quan sát hiện trường sẽ giúp bạn phát hiện và chặn đứng các mối đe doạ khác. Chẳng hạn như tình trạng rò rỉ xăng xe, động cơ vẫn đang hoạt động hoặc thậm chí là phương tiện đang bốc cháy. Nếu phát hiện xe còn đang nổ máy, hãy thử tìm cách tắt máy cho phương tiện. Nếu xuất hiện đám cháy, cố gắng tìm cách dập lửa. Tốt nhất là sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Nếu xe bị cháy do xăng, tuyệt đối không dùng nước để dập lửa.

Cần đảm bảo hiện trường xung quanh thông thoáng, không tập trung quá đông người. Viêc này ảnh hưởng tới tiếp cận hiện trường tai nạn của cơ quan chức năng và phương tiện cấp cứu. Đồng thời việc tụ tập quá đông người cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của nạn nhân và làm cảm trở giao thông đi lại.

Giữ nguyên hiện trường

Công tác giữ nguyên hiện trường cần làm song song với việc gọi điện báo công an và cấp cứu. Đây là nguyên tắc cơ bản khi gặp trường hợp tai nạn giao thông. Nếu hiện trường làm cản trở giao thông thì cần phải đánh dấu địa điểm tai nạn trước khi cho xe vào lề đường. Việc không giữ nguyên hiện trường tai nạn sẽ ảnh hưởng tới công tác khám nghiệm hiện trường và tìm nguyên nhân gây tai nạn. Chính vì vậy, luật đã có quy định rất cụ thể về việc những người đầu tiên đến hiện trường phải có nghĩa vụ bảo vệ hiện trường tai nạn.

Giữ nguyên hiện trường

Tìm cách giúp đỡ các nạn nhân

Nếu nạn nhân đang bị thương hoặc gặp tình trạng hoảng loạn, hãy cố gắng giúp trấn an nạn nhân. Tuyệt đối không tự ý sơ cứu cho người bị nạn nếu bạn không có chuyên môn y khoa hoặc ít nhất cũng đã học qua các lớp sơ cứu cơ bản. Việc sơ cứu sai cách không những không giúp đỡ được cho nạn nhân, mà còn có thể khiến tình trạng vết thương của nạn nhân nặng hơn, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng người bị nạn. Cách tốt nhất là để nạn nhân nằm yên, giữ cho nạn nhân tỉnh táo và bình tĩnh trước khi xe cứu thương đến

Với những trường hợp bất khả kháng cần di chuyển nạn nhân gấp như phương tiện bắt lửa hoặc nạn nhân nằm giữa đường, cần chú ý cố định cổ và phần xương nghi bị gãy của nạn nhân. Khi di chuyển không để bị vặn lưng hoặc cổ của nạn nhân. Khéo léo bỏ giúp người bị nạn những vật cản trở hô hấp của người bị nạn như mũ bảo hiểm. Ngoài ra, nếu không bị cản trở hô hấp, bạn cũng không nên tháo mũ cho nạn nhân để tránh việc thao tác không đúng gây tổn thương vùng cổ. Khi tháo mũ nên có người trợ giúp để nâng đầu và cổ cho nạn nhân. Các thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng, và không để đầu nạn nhân bị xoay hoặc vặn.

Sơ cứu đúng cách cho người gặp tai nạn giao thông

Nếu bạn đã có kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu cho người bị thương, bạn có thể tiến hành sơ cấp cứu cho người bị thương. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng để giúp bảo toàn tính mạng cho người gặp tai nạn nghiêm trọng. Một thao tác quan trọng trong cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông là cấp cứu ngừng thở ngừng tim. Trước tiên, cần kiểm tra xem tình trạng của người tai nạn có bị ngừng tim hay không?

Sơ cứu nạn nhân đúng cách

Nếu nạn nhân đã ngừng tim, cần ngay lập tức cấp cứu đến khi tim nạn nhân đập trở lại, đồng thời có thể thở được bình thường hoặc cấp cứu đến khi xe cứu thương đến được hiện trường. Quy trình cấp cứu diễn ra như sau:

  • Bước 1: Cho nạn nhân nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay và tránh bị gập cổ.

  • Bước 2: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Đặt một tay lên 1/3 dưới xương ức nạn nhân, tay còn lại úp lên mu bàn tay kia. Hai tay duỗi thẳng, lấy lực toàn thân ép mạnh lồng ngực của nạn nhân xuống. Lực ép cần đủ lớn để tạo kích thích lên tim. Lồng ngực phải lún xuống 4-5cm. Nên ép khoảng 100 lần/ phút và duy trì liên tục.

Khi ép tim tốt nhất nên có 2 người luân phiên nhau để tránh bị mỏi và duy trì được thời gian cũng như lực ép tốt nhất. Không chuyển nạn nhân đi bệnh viện cho tới khi thấy tim đập lại.

Sơ cứu kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bảo toàn tính mạng nếu người gặp tai nạn nghiêm trọng

Đối với trường hợp nạn nhân không xuất hiện triệu chứng ngừng tim, hoặc khi cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực mà tim nạn nhân đã đập trở lại, thở được bình thường thì tiến hành các thao tác sơ cứu tiếp theo. Đặt nạn nhân nằm nghiêng, một tay duỗi thẳng, 1 tay kê đầu, một chân duỗi và chân còn lại vắt chéo sang bên đối diện. Tiến hành cố định đốt sống cổ bằng cách dùng bao cát hoặc viên gạch chèn vào phía sau gáy khi nạn nhân nằm nghiêng. Chú ý, cột sống và các đốt sống cổ phải thẳng với trục cơ thể.

Kiểm tra toàn bộ cơ thể nạn nhân để tìm các vết thương hở. Với các vết thương chảy máu, dùng băng ép chặt hoặc nếu không có băng thì dùng quần áo để băng vết thương. Nếu không cầm máu kịp thời, có thể khiến nạn nhân nguy hiểm đến tính mạng. Kiểm tra các xương trên cơ thể, nếu có dấu hiệu gãy xương hoặc nghi gãy xương thì tiến hành nẹp cố định xương. Việc nẹp xương giúp nạn nhân bớt đau và tránh xê dịch các đầu xương. Nếu như xe cứu thương ở quá xa, thời gian đến hiện trường quá lâu, thì sau khi tiến hành các bước sơ cấp cứu cần thiết, hãy đưa nạn nhân lên ô tô để chuyển tới bệnh viện, tránh vận chuyển nạn nhân bằng xe máy.

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ