Lái xe qua đường ngập cần chú ý điều gì?

Lái xe qua đường ngập nước là trải nghiệm thú vị với nhiều người nhưng cũng là nỗi ám ảnh với nhiều người khác. Nỗi lo động cơ bị chết máy, bị thủy kích luôn thường trực với những người  thiếu kinh nghiệm trong hoàn cảnh này.

Khi thiết kế một mẫu xe thông thường, nhà sản xuất ô tô không bao giờ hướng đến mục tiêu để xe lội nước càng sâu càng tốt. Điều này chỉ đúng duy nhất với phân khúc SUV thể thao chuyên dụng hay các xe bán tải pickup. Và mặc dù một số mẫu xe có khả năng lội nước cao như Ford Ranger (800mm) hay Range Rover (900mm), người lái cũng cần có những kinh nghiệm cần thiết để có thể giúp xe “sống sót” qua vùng nước ngập.

1.    Xác định độ sâu đoạn đường ngập nước

Điều đầu tiên, quan sát các xe đi phía trước để xác định độ sâu của đoạn ngập. Nếu nửa trên bánh xe phía trước còn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường, người lái có thể tiếp tục lái xe qua đường ngập phía trước an toàn. Nếu mức ngập cao hơn, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Ngoài ra, nếu không có xe di chuyển phía trước, người lái cần ra ngoài để thăm dò trước độ sâu đoạn ngập.

Nếu xe bạn là một chiếc sedan hay xe gầm thấp tương tự, dừng lại bên đường chờ nước rút bớt là lựa chọn tốt nhất. Với những chiếc SUV và bán tải gầm cao, bạn có thể cho đi qua nhưng cần tham khảo trước hướng dẫn sử dụng xe và độ sâu không vượt quá khuyến cáo của nhà sản xuất.

Thông thường, để đảm bảo an toàn người lái chỉ nên tiếp tục lái khi mực nước ngập thấp hơn đèn pha. Mức giới hạn trên sẽ giúp tránh nước tràn qua lưới tản nhiệt vào họng hút gió của động cơ, có thể gây ra hiện tượng chết máy. Nghiêm trọng hơn, động cơ có thể bị thủy kích nếu người lái cố gắng khởi động lại động cơ.

2.    Di chuyển trên phần mặt đường cao nhất

Theo thiết kế, thông thường bề mặt đường thường cao ở giữa và thấp dần qua hai bên, giúp nước thoát nhanh hơn khi trời mưa. Chính điều này vô tình giúp khu vực này cũng sẽ có mức ngập thấp nhất. Nếu điều kiện giao thông thuận lợi, người lái cố gắng điều khiển xe đi vào phần đường này, tận dụng tối đa mặt đường cao, tránh thiệt hại tối đa cho xe khi đi qua đoạn ngập nước. Tuy nhiên, người lái phải tuân thủ nguyên tắc nhường đường cho xe ngược chiều và các xe lưu thông cùng chiều, để tránh ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến cộng đồng.

3.    Tắt các thiết bị phụ tải trên xe

Người lái cần tắt hệ thống điều hòa và hệ thống giải trí trên xe. Điều này giúp tránh các nguy cơ chập điện nếu trong khoang động cơ đã lâu không kiểm tra hay bảo dưỡng nhằm tránh các sự cố rò rỉ nguồn điện. Ngoài ra, các cánh quạt của hệ thống điều hòa khi hoạt động trong nước cũng gặp trở lực lớn, đồng thời rác, túi ni-lông hay lá cây lẫn trong nước có thể gây tổn hại, thậm chí gãy chi tiết này.

Khi hoạt động, hệ thống điều hòa cũng sử dụng một phần công suất động cơ, do đó để động cơ đạt hiệu suất cao nhất, người lái có thể kết hợp tắt điều hòa, kết hợp hạ cửa kính xuống một chút khi đi qua đoạn đường này. Ngoài ra, người lái nên tháo lọc gió ra khỏi động cơ, đồng thời nếu có thể, xoay hướng họng lấy gió lên trên, nhằm loại trừ trường hợp nước tràn qua lưới tản nhiệt và xâm nhập vào bên trong động cơ.

4.    Điều khiển xe từ tốn qua vùng ngập nước

Chạy xe qua vùng nước ngập ở tốc độ chậm, vừa phải, giữ đều ga và chọn số thấp, để tránh nước lọt qua đường ống xả, đồng thời không làm văng nước lên các phương tiện 2 bánh và xe thô sơ di chuyển bên cạnh. Với xe số tự động, người lái nên chuyển sang chế độ bán tự động, để kiểm soát tốt hơn, hạn chế hộp số chuyển lên cấp số cao hơn. Với xe số sàn, người lái có thể tùy chỉnh ở 2 cấp số 1 hoặc số 2, nếu có thể di chuyển với tốc độ cao hơn.

Luôn duy trì khoảng cách an toàn so với xe trước. Điều này sẽ giúp hạn chế lực cản từ những đợt sóng do xe ngược chiều gây ra, đồng thời cũng có thể tránh nước tràn lên nắp ca-pô vào động cơ.  Tương tự, người lái cũng tránh đáp thốc ga, hay tăng tốc đột ngột, có thể gây ra hiệu ứng tương tự cho chính xe của mình.

5.    Kiểm tra xe sau khi qua đoạn ngập

Sau khi qua được đoạn ngập, người lái không nên vội di chuyển, thay vào đó kiểm tra một vòng quanh xe, để xem xét những tổn hại xung quanh xe, có phụ kiện và chi tiết nào bị nước cuốn mất không? Nhiều bác tài đã đánh rơi mất biển số xe khi đi qua các đoạn đường ngập ở Hà Nội mà không hề hay biết.

Ngoài ra, rác, lá cây hay túi ni-lông lọt vào bên trong động cơ, hốc hút gió hay dưới gầm xe cũng cần được lấy ra ngoài, để tránh các hư tổn có thể xảy ra cho chiếc xe. Hệ thống phanh tang trống trên các xe phổ thông hay đời cũ cũng cần được thoát nước tối đa trước khi tiếp tục di chuyển. Người lái cùng cần rà phanh nhẹ, nhiều lần để hơi nước được thoát ra ngoài, tránh hiện tượng dính/bó phanh sau lội nước.

Trên đây là năm điều cần làm khi lái xe qua đường ngập nước. Ngoài ra, người lái nên tìm hành trình thay thế nếu có thể được, và chỉ đi qua đoạn đường ngập nước khi không còn lựa chọn nào khác, đồng thời cần chắc chắn các hệ thống điện trong xe đã được bảo vệ kĩ lưỡng trước khi “hạ thủy”.

Quang Hải

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ