Lái xe thuê gây tai nạn, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Khi xảy ra tai nạn giao thông trong trường hợp lái xe được giao quyền chiếm hữu, sử dụng, người chịu trách nhiệm bồi thường là chủ xe hay người lái? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Tư vấn trách nhiệm của người lái xe gây tai nạn?

Câu hỏi: Gia đình tôi có một chiếc ô tô tải để chở đồ gỗ và thường thuê anh họ tôi lái (có bằng lái) khi nhà có công việc. Gia đình tôi chi trả tiền công theo chuyến nhưng không hề có hợp đồng lao động, chỉ thoả thuận miệng.

Trong lúc lái xe cho gia đình tôi, anh tôi đã gây ra tai nạn làm người bị nạn tử vong sau 40 ngày nằm viện. Sau đó, người nhà nạn nhân đã khởi kiện. Anh tôi bị tuyên án 18 tháng tù trong khi gia đình tôi phải bồi thường toàn bộ tổn thất và chu cấp hai con của người bị nạn đến năm 18 tuổi. 

Xin Carmudi tư vấn thêm cho tôi về trường hợp này. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Dựa trên thông tin mà bạn vừa cung cấp, chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định."

- Theo nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân (TAND) tối cao, dù có lỗi hay không, chủ sở hữu xe vẫn phải bồi thường do thiệt hại này đến từ phương tiện giao thông vận tải cơ giới thuộc nguồn nguy hiểm cao độ. Đồng thời, theo hướng dẫn tại mục III nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra trước tiên thuộc về chủ sở hữu xe. Sau đó mới đến người được chủ sở hữu giao quyền chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới cho dù có hay không có lỗi.

- Căn cứ khoản 1 Điều 591 Bộ luật dân sự quy định về xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

“Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.”

Dựa trên quy định tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật dân sự 2015:

“Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

- Cũng căn cứ vào nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, người có hành vi gây thiệt hại đến tính mạng của người khác phải bồi thường những chi phí sau:

"- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, chăm sóc, phục hồi sức khỏe trước khi người bị thiệt hại chết: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…

Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe mất khả năng lao động, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

+ Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại."

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ